Những Tản Mạn Về Đêm Trung Thu & Status Rằm Tháng Tám Hay

→ Bài Viết Đang Xem..
8/12/18
Những bài viết tản mạn về Tết Trung Thu cùng với những status cảm xúc nhân ngày Rằm Tháng Tám. Đây là bài viết tổng hợp từ những chia sẻ hay của các bạn hữu trên cộng đồng mạng xã hội.

Những Tản Mạn Về Đêm Trung Thu & Status Rằm Tháng Tám Hay.

#01

TẢN MẠN TRUNG THU


Xưa cứ đến mùa Trung thu là lại được cha đưa đi chơi phố Hàng Mã. Cha sẽ mua cho mình một chiếc đèn ông sao, vui sướng lắm.

Có một cửa hàng ở Hàng Mã, đoạn giáp Cống chéo Hàng Lược. Năm nào họ cũng trưng bầy một chiếc đèn kéo quân rất đặc biệt. Chiếc đèn mô phỏng một cung điện có hai cửa, bên trong lập lòe ánh nến, hình ông quan, ông lính, giai nhân, quần áo sặc sỡ, đi ra cửa này rồi lại vào cửa kia, cứ thế cứ thế quay không dứt.

Mọi người xúm vào xem trầm trồ thán phục. Mình tò mò dòm ngó, chắc trong cái cung điện bằng giấy sặc sỡ kia phải có rất nhiều chú tí hon đang hè nhau đun đẩy. Rồi tưởng tượng ra đủ thứ trong cái thế giới thần tiên này.

Nhiều cha Tiến sĩ ngày nay, xưa xem đèn kéo quân, ngắm dàn tiến sĩ giấy võng lộng xênh xang, được đốt đít bởi một ngọn nến thần thánh rồi ước mơ và phấn đấu, họ có tò mò như mình không nhỉ.

Chỉ tò mò thì không làm được Tiến sĩ, nhưng làm Tiến sĩ mà tò mò thì nguyên khí quốc gia sẽ dư thừa ối.

Status viết về đêm trung thu.

#02
TRUNG THU!

Mỗi thời kỳ mấy bạn nhỏ sẽ cảm nhận về những gì đang diễn ra trong cuộc sống có lẽ khác nhau. Thời của mình tầm 35 năm về trước lúc mà phố xá Sài Gòn chưa đông đúc, ngày thả bộ trên đường Hàm Tử đi học mà chẳng sợ xe cộ gì. Bây giờ các em nhỏ bỏ cặp là cầm ipad, lên mạng là có youtube. Vậy hồi xưa có vui không? Theo mình thì thật là vui.

Cứ vào dịp gần trung thu là mấy đứa rủ nhau đi làm lồng đèn, giờ handmade là dữ chứ xưa không làm thì lấy gì mà chơi. 🙂 vui nhất vụ lấy lon sữa ông Thọ, đục lỗ gắn bánh xe là 2 cái nắp phén xá xị Chương Dương! Lúc đẩy thì cây tre cột dây thun gõ vào lon, lửa đèn cầy cháy phừng phừng làm náo loạn cả xóm. Có đứa láu cá nó nhìn lên mặt trăng sắp tròn la lên: ê tụi bây, tao thấy chị Hằng kìa, cả đám ngước lên: đâu đâu... rồi cười hí hí...

Lúc viết bài này mình ngồi đọc mấy bài wiki mới nhớ là hứa như Cuội khác với chú Cuội ngồi gốc cây đa trên cung trăng. Xưa ti vi hiếm nên cả xóm có được quyển truyện nào là chuyền tay nhau đọc ngấu nghiến quyển đó. Nhớ nhất là đúng đêm Trung Thu nhà đèn cúp điện, cả xóm tối thui thì lúc đó đèn cầy lên ngôi, ánh sáng lập loè, mặt nhìn nhau không rõ. Đang chơi mà thằng nào la ra hù ‘ma’ là ba giò bốn cẳng chạy. Có đứa sợ quá ngồi bệt xuống mà khóc huhu.

Mỗi năm trôi qua, trunng thu lại khác. Phố phường sáng đèn, nhà nhà ti vi rồi coi phim chưởng bằng băng VHS, tụi nhỏ trong xóm cũng ít ra ngoài hơn có lẽ đứa nào cũng lớn và lo phụ gia đình. Lâu lâu văng vẳng tiếng hát ‘Tết trung thu em đốt đèn đi chơi....’ làm gợi lại ký ức xưa.

Mấy năm gần đây thấy mấy bạn nhỏ đón trung thu qua tivi hay các trường tiểu học tổ chức có hoạt náo viên là chị Hằng và chú cuội. Các bạn nhỏ trong mấy tiếng đó đứa nào cũng khoái chí và công ty sữa là thích nhất. 🙂

Trung thu bây giờ không còn của trẻ em nữa, thành cái mùa hốt bạc của mấy cơ sở sản xuất bánh. Tặng qua, tặng lại mà không rõ có mấy người thích ăn. Có lẽ ngồi trên cao nhìn xuống chú Cuội chắc cũng ngạc nhiên sự chuyển biến của địa cầu và sự biến dị của cái lễ nhân gian sao nhanh thế. Cuội buồn và chờ hoài chẳng thấy ai lên thăm mà tâm sự sau ngày ông Amstrong cắm cờ. Bữa đó Cuội đang ngủ, nghe cái rầm và thấy con người xuất hiện trên cung trăng.

Múa lân đêm Tết Trung Thu (ảnh: internet)

#03
RẰM TRUNG THU

Ký ức về Tết Trung thu là 1 phần rất đẹp trong những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi. Từ khi trưởng thành, cứ mỗi dịp Trung thu, trong tôi lại thường trực nhớ đến những lần ngồi xếp hàng ở sân kho hợp tác xã (HTX) để chờ đón được nhận vài gióng mía, múi bưởi... trong đêm trăng Rằm Tháng tám yên bình chốn quê nghèo.

Những năm 70 của thế kỷ trước, không biết các anh các chị ở phố xá thế nào, có nhiều đồ chơi hay trò chơi gì hay không, còn lũ trẻ vùng quê nghèo của tụi tôi hầu như chẳng có gì. Họa hoằn lắm tôi mới được nhìn ngắm cái đèn ông sao cán làm bằng thân cây đay khô, 5 cánh bằng khung tre, dán giấy xanh đỏ với vòng tròn bao ngoài cùng dán giấy màu xé tua rua, đỉnh nhọn 2 cánh bên có 2 chùm râu giấy dài sặc sỡ... Chỉ dám rón rén cầm chơi thôi, vì nếu ko cẩn thận, động mạnh cái là bung, rách, gãy. Tôi nhớ duy nhất có 1 lần được nhìn thấy cái đèn kéo quân ở nhà bác hàng xóm, nghe đâu do người nhà ở tận Phòng mang về cho. Cái đèn hình trụ lục lăng, đốt bấc ở trong, bên ngoài có đoàn quân kéo pháo, có xe tăng đang tiến lên, có các chú bộ đội trên đường hành quân ra trận... Lạ lẫm lắm!

Như tất cả những đứa trẻ trong làng, tôi cũng vô cùng háo hức cái tối đêm Rằm Trung thu. Những ngày gần Rằm, lũ trẻ chúng tôi thường đi kiếm hạt bưởi, bóc lớp vỏ bọc ngoài, tách đôi hạt, lấy que tre xiên chính giữa, thành xâu hạt bưởi dài, đem phơi khô, để tối hôm Rằm sẽ đem đốt, nó cháy sáng, tí tách nổ do hạt có tinh dầu trông khá vui mắt. Ngày Rằm, ở quê nghèo nên cũng chả mấy nhà bày biện cỗ bàn, cũng bái gì cả, chủ yếu tự thu hoạch vườn nhà hoặc mua hoa quả để đến tối 15 sau khi cơm tối xong thì trải chiếu ngồi ngoài sân vừa ăn vừa "trông giăng" (tiếng địa phương, ngắm trăng), bánh kẹo hồi đó là thứ quá xa xỉ, chả thấy có.

Từ chiều hôm Rằm, không khí đã náo nhiệt lắm rồi. Tối, chúng tôi thường đc ăn cơm sớm, háo hức nên hầu như chả ăn uống đc gì, chỉ trực để i ới gọi nhau ra sân kho HTX. Giờ tôi chả nhớ chương trình có những gì, có ai phát biểu, đọc thư, huấn thị, múa hát gì ko, chỉ nhớ bọn tôi tụ tập nhau nô nghịch chui rúc đuổi nhau, đánh trận giả, mồ hôi mồ kê đầm đìa, đến khi nghe tiếng gọi thì đổ xô ra vị trí xếp hàng. Các anh các chị cứ tưởng tượng vừa nô nghịch cật lực, giờ bắt ngồi xếp hàng ngay ngắn thì nó nóng nực, bí bách làm sao. Mà ko phải có ghế, có bệ gì đâu, chúng tôi ngồi bệt luôn trên nền gạch của sân kho HTX, năm nào trời còn nắng nóng, oi bức thì đến tối rồi mà nền gạch còn âm ấm cơ. Ấy thế mà thằng nào thằng ấy ngồi ngoan như cún con, ko dám ho he mất trật tự vì sợ bị đuổi ra khỏi hàng, ko đc nhận quà.

Phát - nhận quà Trung thu luôn là thứ in đậm nhất trong ký ức của tôi. Giữa sân kho rộng, lũ trẻ chúng tôi ngồi xếp hàng dọc gần như kín sân, ở vòng ngoài là các bà, các bác, bố mẹ bế các em chưa thể tự ngồi xếp hàng được. Các anh chị thanh niên được phân công đi chia quà cho chúng tôi. Họ cũng xếp thành hàng ngang, mỗi người đều cắp theo 1 chiếc thúng đựng quà chia cho chúng tôi, mỗi người phụ trách chia 1 hàng, 1 vài người đi chia cho các em nhỏ ở hàng "phụ huynh" vòng ngoài. Quà rất đơn giản thôi, vài gióng mía, vài múi bưởi, quả chuối, dăm chiếc kẹo...hình như chỉ có vậy thôi tôi ko nhớ rõ nhưng cái háo hức và không khí chia quà thì tôi nhớ rõ: lúc đầu còn nghiêm chỉnh đc 1 chút, sau rồi như vỡ chợ. Ngày ấy quê tôi ko có điện, trăng thì năm sáng năm tối, mấy cây đèn bão, đèn măng-xông của HTX, thậm chí là cả đuốc cũng ko đủ sáng, loa đài chẳng có, trẻ thì đông, thằng nào cũng láu cá, cũng muốn đc chia nhiều... Năm nào trăng sáng thì đỡ, chứ ko thì trong cái cảnh dở tối dở sáng, ồn ào náo nhiệt ấy, người chia chưa đến nơi mình ngồi mà chúng tôi cứ bất chấp, nhao hết cả lên, cướp của đứa vừa nhận, cướp luôn cả trên thúng của người chia. Rồi vừa nhận ở hàng mình ngồi theo thứ tự xong đã lại lập tức nhảy sang hàng khác để nhận tiếp, bò, trườn vòng từ trên đầu hàng xuống cuối hàng đẻ đợi tiếp. Rồi tị nạnh nhau, bắt đền, dỗi nhau, oánh chửi nhau chí chóe...

Viết cho đêm rằm tháng Tám (ảnh: internet)

Dù các anh chị chia quà cũng có nhiều biện pháp đối phó để vãn hồi trật tự nhưng đều ko xuể với những mánh khóe ma quỷ của bọn tôi. Bởi bản thân họ cũng có lúc ko công bằng, chia nhiều hơn cho "người nhà", rồi người nghiêm khắc, người dễ tính nên chúng tôi vẫn như ong vỡ tổ. Có anh chị nhìn bọn tôi tranh cướp, có vẻ thích, còn cười. Có chị ko làm gì đc, bị lũ trẻ quây kín, cướp sạnh thúng quà, đứng giữa hàng mà khóc... Nhận phần, tranh cướp đc quà rồi chúng tôi đút túi quần, túi áo, túm cả vào gấu áo, có thằng còn phải cởi trần ra để lấy áo túm quà (dù khi đi đã chọn mặc bộ quần áo có nhiều túi nhất để đựng)
Tan cuộc, những thằng bạn thân lại tìm nhau và khoe chiến lợi phẩm, kiểm tra thương tích vì cuối mỗi bận tranh quà như thế, chúng tôi va đập sứt đầu mẻ trán, tay chân thâm tím là chuyện thường. Thằng hí hửng khoe cách ăn gian, cách cướp đồ, thằng xuýt xoa vì đau, vì sợ về nhà bị bố mẹ đánh... Rồi tụi tôi gom đồ, cùng nhau chén luôn những quả giập nát và bàn mưu, tính kế cho Trung thu năm sau...

"Miếng ngon nhớ lâu". Đó chả phải là những miếng ngon đến độ để đời của tôi, nhưng ko hiểu sao tôi lại nhớ nó đến vậy. Phải chăng do đói vì háo hức, do khát vì nô nghịch mà những thứ đó có thể ngon đến vậy? Hay do đó là những thành quả do vật lộn mà có nên ngon? Hay đó là hương vị ký ức tuổi thơ tôi...?
Giờ đây, mỗi dịp Trung thu đến, lớn tướng rồi có khi tôi vẫn nhận đc quà. Nhóm bạn bè, vài gia đình lại cùng nhau "liên hoan", cho trẻ con đi chơi, trải nghiệm đủ các trò, thừa mứa bánh kẹo, hoa quả và đồ chơi màu sắc, âm thanh, chuyển động. Đi đường đôi khi phải dừng lại vì có đoàn múa lân, rước đèn trống phách rộn ràng hay có tổ dân phố bắc rạp trên vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường, điện đóm sáng trưng, màn hình chiếu cỡ lớn phục vụ bọn trẻ vui chơi... Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì thế hệ con, cháu mình đã được hưởng thụ Trung thu yên bình, đầy đủ hơn những gì tôi đã trải qua... Lại cồn cào nhớ những đêm "trông giăng" trong ký ức dội về...
Trung thu trong ký ức của các anh các chị thì sao?
  1. Trung thu xưa.
    Trung thu của bọn trẻ chúng tôi ngày ấy thật rộn ràng. Không giống bây giờ cha mẹ bận rộn bánh trái biếu sếp, thời đó lũ trẻ chúng tôi mới là người bận rộn cơ. Nào phải tầm hạt bưởi phơi thật khô rồi xiên vào que thép nè, nào cắt khoét hộp xà phòng thành đèn lồng tự chế hay sang hơn là cắt lon bia thành đèn lồng long lanh này. Nào tích góp tiền quà vặt để đến ngày đi chơi có tiền đút túi. Rồi cách rằm 3 4 hôm là bọn tôi kéo đàn đi chơi chợ. Chợ trung thu được tổ chức dọc phố hàng Mã, hàng Đào vào vài tối trước rằm. Chúng tôi dắt tay nhau, đứa lớn hơn 10 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi, đi bộ qua con đê đất, xuôi theo dốc Quán Thánh đi rẽ ra hàng Mã. Hàng quán sáng trưng. Cái gì cũng đẹp. Cái gì cũng thích. Các bạn trai mê mẩn với mặt nạ, trống, gậy, tàu thủy sắt chạy bằng dầu tỏa khói đen xì. Các bạn gái thích vương miện làm bằng giấy bìa lóng lánh, mâm ngũ quả bằng bột, thiên nga bằng bông, những bộ đồ hàng nồi niêu bằng gang rất đẹp. Các bé nhỏ thì thèm thuồng nhìn tò he nhiều màu, đèn ông sao, đèn kéo quân hay bánh chín tầng mây. Chúng tôi chạy, ngó, sờ, đùn đẩy nhau, nói cười thỏa thích. Tiền chẳng đủ mua gì, mỗi đứa mua 1 cái bánh hay cái kẹo kéo ăn cho đỡ thèm. Rồi về nhà ngủ. Vì đến rằm chúng tôi còn bận nhiều việc lắm.
    Hôm rằm phá cỗ trông trăng. Đứa nào cũng mang đồ chuẩn bị sẵn ra. Nào là xiên hạt bưởi khi đốt lên cháy lóe tóe kêu tạch tạch. Nào là đèn lồng hay đèn kéo quân tự chế. Rồi vương miện tự làm. Rồi gậy và khăn buộc vai giả múa lân. Đứa nào nhà khá giả thì có đèn ông sao xanh đỏ. Chúng tôi chạy ra sân chung xem múa hát và xếp hàng chờ phát bánh trung thu. Con nhà nghèo chỉ ngóng lúc này để ăn bánh, mỗi đứa được 1/8 cái bánh dẻo và 1/8 cái bánh nướng. Bọn con trai nghịch ngợm xếp hàng vòng vòng nhiều lần để được nhiều bánh hơn. Bị phát hiện chúng rú lên cười và kéo cả đồng bọn xếp hàng phía sau chạy mất. Chiếc đèn ông sao đầu tiên trong đời tôi thấm mưa phai màu xuống cái áo đẹp nhất làm tôi khóc mãi...